Bức thư nhức nhối của con gái đầu: “Con ghét nó. Nó không nên có mặt trong gia đình”…
Bức thư máy bay giấy từ 1 cô bé tên H.A ở chung cư Hà Nội là một trong rất nhiều nỗi niềm mà các con đầu trong gia đình gặp phải. Bức thư cũng phần nào lí giải được lí do mà các anh chị em trong nhà thường ghen tị, tị nạnh nhau.
Những nét chữ ngay ngắn, rõ ràng, cùng với vết thương khó hàn gắn trong trái tim của bé một lần nữa làm những ai là bố mẹ của 2 con thức tĩnh về cách đối xử của mình. Bố Mẹ có thể thấy điều đó thật bình thường, mọi chuyện có gì đâu đáng kể, nhưng qua những dòng chữ rút ra tận tâm can, với vẻ bất lực của con thì mới thấy: Điều đó thật không hề đơn giản
Những câu chữ đầy tổn thương và tự ti từ con trẻ thực sự khiến những bậc phụ huynh phải suy ngẫm
“Con chào ai đó đã nhặt được thư. Con là con của bố mẹ con. Nếu cô chú nào chưa làm bố mẹ thì đưa cho người đang làm mẹ.
Con lúc 2 tuổi, 3 và 4 tuổi, bố mẹ đang rất yêu thương con thì tự dưng lại có một đứa không biết từ đâu bay ra mà lại cướp bố mẹ của con. Từ ngày có nó bố mẹ luôn coi con như là osin, cái gì cũng nhờ. Nó cấu con thì bố mẹ con lại bảo nó cấu lại.
Con ghét nó. Nó không nên có mặt trong gia đình con. Ai cũng yêu quý nó.
Bố mẹ lúc nào cũng chê mình học dốt, còn luôn khen em là học giỏi, lớn lên đi làm bác sĩ. Còn chị con thì học rõ dốt thì cho đi làm ăn mày.
Con học dốt thật sao? Con được làm: Chi đội trưởng, liên đội phó, lớp phó, lớp trưởng thể dục… Vậy mà bố con cứ bảo học dốt thế mà cô cho làm. Con học xong tất cả các môn cũng học đến 10h rồi, bố con vẫn bảo là học nhanh thế.
Vì vậy, nếu ai có 2 con thì xin cô chú hãy đối tốt với con cả. Và con thì sẽ mãi là osin thôi”.
Chị Đặng Phương là người sống trong khu chung cư, tình cờ con gái lớn của chị nhặt được bức thư này nên chia sẻ lại trên hội nhóm. Sau đó, bức thư được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Chị cũng gửi một lá thư cho cô bé, với hi vọng, bố mẹ của bé có thể đọc được, bé H.A sẽ được đối xử và yêu thương công bằng hơn, nhìn nhận để tránh bị tổn thương với những câu nói đùa mà tổn thương thật của người lớn.
Đây là bức thư của Chị:
“Cách đây gần 30 năm, cô cũng ở vị trí như của con bây giờ, cũng là chị cả, và tự dưng có một con bé nhảy vào “chiếm vị trí độc tôn” như thế, nó cũng vô cùng trái khoáy, thậm chí còn đập chiếc đèn pin vào đầu cô nữa đấy. Nhưng sau khi nghĩ lại cô lại tự an ủi bản thân rằng nó là con nhóc bé tý mới hơn 1 tuổi thôi, tạm tha, đợi nó lớn mới tẩn sau, vì dù sao mình cũng lớn hơn nó đến tận năm tuổi cơ mà.
Cô nhiều lúc giải quyết sự mâu thuẫn của hai đứa nhóc nhà cô, thì cô cũng đau đầu lắm. Thật trùng hợp mới sáng nay thôi, bé chị còn khóc nói là tại sao mẹ chỉ yêu em thôi, trong khi cô chỉ muốn xét xử công bằng nhất giữa hai chị em chúng nó.
Chiều nay lúc về đến nhà, bé chị đã đưa bức thư mà con gập thành máy bay để ném xuống, cô rất bất ngờ với từng dòng chữ mà con đã viết, nó làm cô nhớ lại những dòng nhật ký mình đã viết hồi xưa, khi cảm thấy bị đối xử không công bằng, cô đã quên là mình từng có những trải nghiệm như vậy, thật may là nó như một thứ gì đó nhắc nhở người làm cha làm mẹ như cô, phải đối xử khéo léo hơn với những đứa con của mình, đặc biệt là đứa con cả.
Con nói rằng bố mẹ chê con học dốt và không tin những thành quả con đạt được là xứng đáng, nhưng theo cô, có thể đó chỉ là những câu nói đùa, vì sự thật là người lớn rất thích kiểu bông đùa như thế.
Cô biết con đang cảm thấy tủi thân, và cho rằng cách đối xử của bố mẹ là chưa đúng với mình, vì con đã rất cố gắng, cho dù là đã làm lên Chi đội trưởng, liên đội phó, lớp phó, lớp trưởng thể dục…nhưng bố mẹ lại có vẻ đang không công nhận nó. Theo cô đó đều là những thành quả mà không phải đứa trẻ nào cũng đạt được. Ngày xưa cô cũng không giỏi bằng con như vậy được.
Cô mong con vẫn tiếp tục giữ vững tinh thần học tập tốt như thế nhé, và hãy thử nói những suy nghĩ này của mình ra cho bố mẹ biết, cô tin là bố mẹ con sẽ hiểu”.
Khi mới có con đầu lòng, đứa trẻ là trung tâm của gia đình. Tất cả mọi người yêu thương, quan tâm không ngừng. Nhiều khi, có làm sai cũng được nhắc nhở nhẹ nhàng. Thế mà, sau khi bố mẹ sinh thêm 1 em, đứa trẻ đầu bỗng bị đẩy “ra rìa”, không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng vì bị bỏ rơi.
Trong trường hợp này, Bố Mẹ hãy nói với con chân thành. Đối xử một cách tinh tế, công bằng để con trẻ luôn thấy mình quan trọng và được thương yêu.
Bài viết sau sẽ nói đến 10 cách hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tình trạng phân bì giữa các con. Bố Mẹ nhớ theo dõi để không bỏ lỡ bài viết hữu ích nhé.